hamos.com

Tiện nghi từ những khác biệt

Nhà phố là một loại hình công trình quen thuộc ở Việt Nam, chính vì vậy khi nghĩ về nó, nhiều kiến trúc sư và chủ đầu tư đều ít nghĩ khác đi mà hay hình dung ngay đến các lối bố trí quen thuộc, ví dụ như phía trước là phòng khách, giữa là cầu thang, gian bếp trong cùng, các phòng ngủ trên lầu… Riêng ở trường hợp này, phá đi cách bố rí truyền thống của nhà ống để đem lại tiện nghi hơn và phù hợp với lối sống cụ thể của gia chủ là điều mà người thiết kế ngôi nhà phố này suy nghĩ và điều đó đã đem lại hiệu quả.

 Ngôi nhà này tọa lạc trong khu dự án Mizuki Park, có quy mô gồm một trệt hai lầu. Khi trò chuyện với chủ đầu tư, người thiết kế hiểu rằng gia chủ là người quan tâm đến việc nấu nướng, ăn uống. Đặc biệt, anh chị là người Hoa nên việc bố trí công năng bếp rất được lưu ý.

Phải làm sao để có nhiều tủ kệ, tận dụng không gian nhiều nhất mà không làm cho không gian bí bách nặng nề. Để giải quyết điều này, với hệ tủ bếp, nhà thiết kế đã kết hợp tủ kho thành một khối thống nhất, đồng thời xử lý các đường bo cong của cánh tủ nhằm tạo cảm giác mềm mại hơn.

 

 

Thay vì bố trí gian bếp ở một góc cuối nhà như thường thấy, người thiết kế đã làm ngược lại, đưa gian bếp ra phía trước, bàn ăn đưa về cuối nhà, tổ chức một đảo bếp to ở trung tâm nhằm khai thác tối đa công năng của khu vực này.

Nhờ vậy, vào những dịp lễ tết, khi có đông đúc khách khứa và nhiều người thân tụ tập, đảo bếp trở thành trung tâm của mọi hoạt động, mọi người có thể vừa nấu ăn vừa trò chuyện cùng nhau.

 Người thiết kế cho biết thêm: “Vì gia đình cũng có hai bé nhỏ nên mình muốn tạo một không khí trẻ trung, nhẹ nhàng thông qua việc sử dụng vật liệu màu sắc tươi sáng, xử lý các chi tiết vòm cong, trần bo cong.

Đảo bếp cũng được tạo hình khối mềm mại phá cách nhằm xóa bỏ những đường thẳng nét ngang vuông vắn thường thấy ở các ngôi nhà phố. Bên cạnh đó, để tránh cảm giác tủ kệ là một khối cứng nhắc và nặng nề, mình đã dùng các đợt kệ bằng đá marble xanh tạo cảm giác tươi mát, tương phản với màu sơn hiệu ứng của đảo bếp và điều đó đã tạo thành điểm nhấn cho tổng thể bố cục của công trình”.

 Một điều thú vị nữa ở ngôi nhà phố này là không gian sinh hoạt và góc học tập trên lầu hai. Từ phòng ngủ, người thiết kế đã đưa ánh sáng gián tiếp vào khu học tập của trẻ thông qua vách kính lùa. Giải pháp này cũng làm cho cảm giác như phòng ngủ được nhân rộng ra về mặt thị giác.

Bên cạnh đó, cũng tiện cho ba mẹ khi muốn quan sát trẻ học tập, vui chơi. Ở không gian này, thiết kế hạn chế các chi tiết rườm rà, màu sắc cũng đơn giản tạo cảm giác thoáng và rộng hơn.

 

 Với việc thiết kế một ngôi nhà phố, chỉ cần một vài thay đổi nhỏ nhưng có thể đã đem lại những giá trị lớn. Điều ấy cũng có thể nhận ra ở ngôi nhà này: một gian bếp cực kỳ rộng rãi và thông thoáng dưới tầng trệt, khu vực sinh hoạt chung kết nối mọi thành viên giữa các không gian riêng tư… chỉ chừng đó thôi đã đem lại nhiều giá trị và khác biệt cho không gian sống của một gia đình trẻ. Vậy là đủ!

Bài: Nam Khương - Ảnh: Quang Trần